Vì sao không lùi thời hạn lắp camera giám sát hành trình?

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp vận tải triển khai lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đúng thời hạn theo Nghị định 10. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn bày tỏ sự băn khoăn đối với những bất cập về công nghệ, gánh nặng chi phí triển khai khi các doanh nghiệp đang rất khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Không lùi thời hạn

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản trả lời Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam về đề nghị lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính đối với việc lắp camera theo quy định của Nghị định số 10 và Thông tư số 12.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc lắp đặt camera theo dõi, giám sát, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm quy định pháp luật của người lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông như: Ngủ gật hoặc mất tập trung khi lái xe, sử dụng điện thoại khi lái xe, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, lái xe quá thời gian quy định, các tình huống bất thường khác… giúp đơn vị kinh doanh vận tải kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, ngăn ngừa lái xe vi phạm.

Đồng thời, giúp cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm của người lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ của hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự trong lĩnh vực vận tải ôtô.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp vận tải triển khai lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đúng thời hạn theo Nghị định 10. Theo đó, từ ngày 1.7.2021 sẽ có khoảng 200.000 xe kinh doanh vận tải khách bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình để kiểm soát hoạt động của lái xe trong suốt hành trình. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đồng thời “bác” đề xuất lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019 đối với các hành vi vi phạm về lắp camera theo quy định tại Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2021 mà Hiệp hội Vận tải Việt Nam đưa ra.

Doanh nghiệp vận tải kêu khó

Trong khi đó theo Hiệp hội vận tải ôtô VN, do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô đang gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng và doanh thu vận tải sụt giảm mạnh, trong kinh doanh vận tải khách chỉ đạt khoảng 50 – 60% so với trước thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19, nhiều đơn vị phải cắt giảm phương tiện hoặc phải dừng hoạt động, nhiều đơn vị vận tải phải tính đến việc thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với lý do trên, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” của Chính phủ đối với các hành vi vi phạm hành chính về lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10 và Thông tư số 12 đến ngày 31.12.2022.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng – Khúc Hữu Thanh Hải, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này khiến các doanh nghiệp vận tải khách gần như gục ngã, lượng xe không hoạt động phải nằm bãi rất nhiều. Việc lắp đặt camera giám sát hành trình đã có lộ trình từ trước, theo quy định thì các doanh nghiệp phải thực hiện, nhưng nhiều đơn vị vẫn băn khoăn về hiệu quả của thiết bị so với chi phí bỏ ra có mang lại hiệu quả không.

Theo ông Hải nếu hiệu quả thì việc đầu tư là bình thường, nhưng hiện các doanh nghiệp vận tải đang khó khăn, đầu vào không có nhưng các chi phí đầu ra vẫn phải thực hiện, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Hiện nhiều doanh nghiệp không có đủ khả năng tài chính để hoạt động chứ chưa nói gì đến việc đầu tư thiết bị. Do đó, rất cần Tổng cục Đường bộ xem xét lại thời gian, ít nhất cũng qua đợt dịch này để doanh nghiệp có nguồn thu mới thực hiện việc lắp đặt.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát – ông Đỗ Văn Bằng (hãng xe Sao Việt) – thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều xe phải “đắp chiếu” khiến các doanh nghiệp vận tải đã chịu nhiều thiệt hại. Trong bối cảnh khó khăn này, cơ quan quản lý Nhà nước cần lùi thêm một thời gian để doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – ông Bùi Danh Liên – cho rằng, trong tình cảnh vận tải đang lao đao vì dịch COVID-19, nên chọn một thời điểm thích hợp hơn sẽ hài hoà lợi ích của cả xã hội, người dân và doanh nghiệp vận tải. Hơn nữa sau hơn 2 năm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS), hiện có đến gần 50% thiết bị trên xe khách không hoạt động… Đây là cơ sở để cơ quan chức năng đánh giá, nên xem lại việc yêu cầu lắp đặt thiết bị công nghệ tiếp trên các xe kinh doanh vận tải.

Tag:
Chia sẻ: